Nếu một ngày bạn muốn tạm rời xa khói bụi, còi xe chốn đô thành để tìm về chốn bình yên và hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, hãy thử xách balo lên và đi du lịch Hà Giang ngay thôi nào.
AnnamBooking chắc chắn rằng sau khi bạn trở về, bạn sẽ là một phiên bản hoàn toàn tươi mới và đã được sạc đầy năng lượng chuẩn bị cho cuộc sống bận rộn ngày thường.
Để có chuyến đi trọn vẹn, bạn hãy “ bỏ túi” ngay những kinh nghiệm đi du lịch Hà Giang cho những người đam mê khám phá du lịch nhé.
I. Sơ lược về tỉnh Hà Giang:
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Việt Nam. Có đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở phía Bắc và phía Tây.
Hà Giang được thiên nhiên ưu ái cho quần thể rừng – núi – sông cùng hệ sinh thái đa dạng. Mảnh đất này luôn khiến những du khách phương xa say lòng với những địa danh hùng vĩ như đỉnh Mã Pí Lèng, núi đôi Quản Bạ, hẻm vực Tu Sản cũng như nhiều di tích lịch sử – văn hóa lâu đời như cao nguyên đá Đồng Văn,….và đậm văn hóa bản địa đặc sắc.
II. Du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất?
Thật sự khó tìm thấy một vùng đất nào mà đẹp cả bốn mùa trong năm như nơi đây. Đối với Annam Booking, thời gian lý tưởng nhất đi du lịch là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, vì đây không chỉ là mùa lúa chín, mùa hoa nở rợp trời mà còn là thời điểm diễn ra các lễ hội mùa Xuân của đồng bào miền núi diễn ra. Cùng note lại và chọn dịp đi phù hợp để không bỏ lỡ cảnh đẹp của vùng non cao này nhé.
Tháng 1-3: là mùa Hà Giang ngập tràn màu sắc của đủ các loại hoa như hoa cải vàng, hoa mận trắng, hoa đào hồng. Đây cũng là dịp tập trung nhiều lễ hội đặc sắc nhất của phố núi như Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội Lập Tịnh của người Dao,…
Tháng 5-6: là mùa nước đổ – thời gian người dân chuẩn bị cho vụ mùa mới của năm. Ruộng bậc thang lúc này long lanh nước, biến hoá thành những tấm gương “siêu to khổng lồ”, đẹp mãn nhãn, uốn lượn, ôm khắp khắp núi đồi.
Tháng 8 – 10: Là thời điểm lúa ngả màu chín vàng, phủ “lớp áo” óng ả khắp ruộng bậc thang, mà trong đó đẹp nhất chính là khu vực Hoàng Su Phì.
Tháng 10 – 11:Nếu trót say đắm vẻ đẹp cũng những cánh đồng hoa tam giác mạch, bạn còn chờ gì mà chưa lên kế hoạch đến Hà Giang vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11. Đừng quên ghé cột cờ Lũng cú, làng văn hóa Lũng Cẩm – Sủng Là, chân đèo Mã Pí Lèng, Thạch Sơn Thần – Quản Bạ để có view ngắm hoa tam giác mạch xịn nhất nhé!
III. Cách di chuyển đến Hà Giang
Đi bằng ô tô: Hà Giang cách Hà Nội khoảng 300km, tương đương với 6 – 7 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe ô tô. Từ Hà Nội, bạn có thể thuê ô tô tự lái, đi xe khách hoặc nếu bạn thích phiêu lưu thì phượt xe máy. Nếu đi bằng xe giường nằm, do hành trình khá dài nên để tiết kiệm thời gian và sức lực, tốt nhất bạn chọn chuyến buổi tối, ngủ một giấc và rạng sáng hôm sau đã có mặt ở Hà Giang.
Xe khách:
Tại bến xe Mỹ Đình có nhiều nhà xe uy tín như Hưng Thành, Bằng Phấn, Quang Nghị, Hải Vân với đa dạng các chuyến xe từ 16:00 – 21:00 cho bạn lựa chọn, giá vé dao động từ 200.000 – 300.000 VND/ giường. Để tận dụng thời gian, bạn có thể chọn chuyến xe muộn để ngủ một giấc là đến nơi.
Lưu ý: Nếu bạn từ miền Nam hay miền Trung, bạn có thể nhắn nhà xe đón ngay tại ngã tư Nội Bài (gần sân bay Nội Bài) để tiết kiệm thời gian đi lại.
Xe Limousine:
Giá vé Limousine 9 chỗ riêng tư hơn nên giá cũng thường nhỉnh hơn giá vé xe khách, trung bình từ 250.000 – 350.000 VND/ vé. Nếu đi theo đoàn trên 8 người, bạn có thể cân nhắc thuê nguyên xe với giá từ 2.800.000 – 3.500.000 VND, vừa tiết kiệm, vừa có không gian riêng, lại linh hoạt về thời gian đưa rước.
Nếu bạn ở miền Trung hoặc miền Nam, tàu hỏa hoặc xe khách là phương tiện di chuyển giúp bạn tiết kiệm được nhiều. Tuy nhiên do khoảng cách địa lý rất xa nên bạn hãy trừ hao thời gian nghỉ ngơi để lại sức nhé!
Máy bay đương nhiên vẫn là lựa chọn tối ưu cho hành trình này. Bạn cần bay đến Hà Nội, sau đó tiếp tục di chuyển đến Hà Giang. Máy bay vừa rút ngắn thời gian đi lại, vừa đỡ mệt hơn nhiều mà bạn còn có thêm thời gian “du hí” Hà Nội một chút trong lịch trình! Nếu ngại chi phí cao, bạn có thể cân nhắc ưu đãi từ hàng không Bamboo Airways đang có sẵn trên AnnamBooking nhé!
IV. Phương tiện di chuyển ở Hà Giang:
Di chuyển bằng xe máy
Vì Hà Giang có địa hình đèo dốc liên tục, nhiều con đường rất hẹp, ôm cua gắt nên xe máy là phương tiện được nhiều du khách lựa chọn nhất. Dịch vụ thuê xe máy ở Hà Giang rất đa dạng, tuy nhiên để đảm bảo an toàn khi chinh phục vùng sơn cước này, hãy lưu ý chọn xe mới, đăng ký dưới 2 năm, đừng thấy rẻ hơn 20.000 – 30.000 VND mà vội mừng vì chất lượng có thể rất khác biệt.
AnnamBooking gợi ý một số địa điểm cho thuê xe máy uy tín tại Hà Giang:
Thuê xe Hồng Hào:
Địa chỉ: 10 Phạm Hồng Thái, P. Minh Khai, Hà Giang
Số điện thoại: 0165 398 2928
Cho thuê xe máy Hằng Thường
Địa chỉ: 15b Phạm Hồng Thái, P. Minh Khai, Hà Giang
Số điện thoại: 0836 399 888
MOTOGO:
Địa chỉ: Tổ 1, Thôn Cầu Mè, Phương Thiện, Hà Giang
Số điện thoại: 0338 023 344
Thuê xe xe máy Giang Sơn:
Địa chỉ: Tổ 1, Thôn Cầu Mè, Phương Thiện, Hà Giang
Số điện thoại: 098 847 08 63
Di chuyển bằng taxi:
Chọn đi taxi giúp các nhóm bạn hoặc du lịch gia đình có trải nghiệm linh hoạt và chủ động hơn về thời gian và địa điểm. Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê tài xế để kiêm luôn vai trò “tư vấn viên” tận tâm những địa điểm lý thú và món ngon bản địa ít du khách biết. Tại Hà Giang có rất nhiều hãng taxi bạn có thể lựa chọn như Taxi Mai Linh (Hotline: 0219 3 25 25 25), Taxi Thành công (Hotline: 0219 3 826 826), Taxi Hà Giang (Hotline: 0219 3 82 82 82) với giá cũng tương đương Hà Nội hoặc TP.HCM.
V. Những Địa Danh tại Hà Giang
1/ Những cung đường du lịch Hà Giang nổi tiếng
Cột mốc Km số 0 – Núi đôi – Cổng trời Quản Bạ – Phố cổ Đồng Văn – Dốc Thẩm Mã – Dinh thự Vua Mèo
Hoàng Su Phì – Sông Nho Quế – Cột cờ Lũng Cú – Đèo Mã Pí Lèng – Mỏm Đá Cô Đơn
Cao nguyên đá Đồng Văn – Chùa Sùng Khánh – Rừng thông Yên Minh – Thung lũng Sủng Là
2/ Những địa danh hấp dẫn khác nên đến khi du lịch Hà Giang
1. Cột mốc Km số 0
Cột mốc Km số o nằm ngay trong thành phố Hà Giang. Đây là địa điểm được dân du lịch săn đón để check-in kỷ niệm. Cột mốc này thực chất là điểm bắt đầu của đường Quốc lộ 2 – tuyến Quốc lộ nối Hà Giang và Hà Nội. Tại Hà Giang, còn có cột mốc Km số 0 mới khác, làm bằng đá hoa cương được dựng kiên cố trên Quốc lộ 2.
2. Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì là một huyện biên giới nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 50km. Hoàng Su Phì sở hữu những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp hiếm có. Ruộng Bậc Thang Hoàng Su Phì được công nhận là di tích quốc gia có lịch sử phát triển hàng trăm năm từ những ngày đầu năm khai hoang của người Nùng, Dao, La Chí. Mùa nước đổ, nhìn từ trên cao Hoàng Su Phì hệt như tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng. Tới mùa lúa chín thì nơi đây phủ một màu vàng óng ả của lúa chín nở rộ. Để có thể nhìn ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất, hãy đến bản Phùng, bản Luốc ở Hoàng Su Phì – nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam vào tháng 9, tháng 10 mùa lúa chín nhé!
3.Cổng Trời Quản Bạ
Nhắc đến Hà Giang thì phải nhắc đến Quản Bạ, trong đó địa danh níu bước chân cũng những tín đồ khám phá chính là cổng trời Quản Bạ. Cổng trời cao 1500m so với mực nước biển, nằm giữa 2 đỉnh núi, và được xem là cửa ngõ bước vào hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Đứng tại đây, bạn có thể nhìn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ, giao thoa đất trời của núi rừng Tây Bắc.
Vị trí: Cách trung tâm thành phố Hà Giang 43km
4. Núi Đôi Quản Bạ:
Đúng như cái tên của mình, Núi Đôi Quản Bạ (hay còn có tên gọi khác là Núi Đôi Cô Tiên) là một tuyệt tác thú vị của thiên nhiên, có hình dáng tựa như bầu sữa của người mẹ, mang đến sự trù phú cho vùng đất này. Tùy vào thời điểm mà bạn có thể chiêm ngưỡng núi đôi Quản Bạ trong “những bảng màu” khác nhau: màu hồng của hoa tam giác mạch, màu vàng ươm của lúa chín hay màu xanh phủ mây trắng của những buổi sáng mờ sương.
Vị trí: Cách trung tâm Hà Giang khoảng 40km, nằm bên Quốc lộ 4C, Thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang
5. Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn tọa lạc ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Là nơi tụ hội của nhiều dân tộc Tày, Hoa, Mông, Nùng, Dao, Kinh đến an cư lạc nghiệp từ đầu thế kỉ 20. Khu vực này chỉ có khoảng 40 ngôi nhà cổ với lịch sử hàng trăm năm. Khu phố cổ mang vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ với lối kiến trúc ngói nhà âm dương hiện vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Thời điểm tốt nhất để đến tham quan phố cổ là những khi có chợ phiên vào Chủ nhật mỗi tuần. Bạn sẽ được hòa vào nếp sống sinh hoạt của người dân nơi đây với những bộ váy áo sặc sỡ và những loại nông sản đặc trưng của núi rừng. Nếu đã có dịp du lịch Phố cổ Hội An, Phố cổ Hà Nội thì bạn hãy ghé thăm Phố cổ Đồng Văn nữa để cảm nhận nét đẹp riêng của từng khu Phố cổ nhé!
Vị trí: Cách thành phố Hà Giang 150km
Một số địa điểm tham quan gần Đồng Văn: cao nguyên đá Đồng Văn, Phố Cáo, Phó Bảng, Dinh thự Vua Mèo, Sủng Là
6. Cột Cờ Lũng Cú:
Cột cờ Lũng cú nằm trên đỉnh núi Rồng cao 1.470m so với mực nước biển, được xem là cột mốc cực bắc thiêng liêng của tổ quốc. Để “check-in” được cột cờ, bạn phải vượt qua được 839 bậc thang và phải leo thêm 140 bậc cầu thang xoắn ốc hẹp nữa mới có thể chạm tay vào quốc kỳ, chính thức đứng trên điểm cao nhất của cực Bắc.
7. Đèo Mã Pí Lèng
Với cung đường đèo dài 20km uốn lượn hiểm trở, đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của núi phía bắc, nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là một trong những địa điểm được nhiều tín đồ du lịch tự túc khao khát chinh phục nhất. Từ đỉnh đèo, bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh hùng vĩ của con sông Nho Quế màu xanh ngọc bích uốn lượn quanh những quả núi trùng điệp.
8. Hẻm Tu Sản
Không thể nói bạn đã đi Hà Giang nếu chưa chinh phục hẻm vực Tu Sản. Với chiều cao vách đá gần 800m, chiều sâu gần 1km và dài 1,7km, Tu Sản xứng đáng là “đệ nhất hùng quan” của cao nguyên đá Đồng Văn. Một trong những trải nghiệm khó quên nhất khi du lịch Hà Giang tự túc chính là được đi thuyền trên sông Nho Quế để đến gần và cảm nhận thật rõ sự hùng vĩ đến choáng ngợp của hẻm Tu Sản.