Những biệt thự nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại
Vua Bảo Đại, tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy hay trên mộ ghi Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, là hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Lúc sinh thời, Vua thường có các chuyến du hành nghỉ mát dọc mọi miền tổ quốc, cùng vợ mình là Hoàng hậu Nam Phương và các con nghỉ dưỡng, tránh nóng tại các biệt phủ, dinh thự rộng lớn. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương cũng thường tặng Vua các căn biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng. Các dinh thự vua Bảo Đại còn lại cho tới ngày nay luôn là những điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Những dấu vết huy hoàng đánh dấu một thời vàng son của chế độ quân chủ Việt Nam vẫn còn in đậm trên từng mái ngói đỏ, trên từng bức tường rêu phong.
Biệt thự Bảo Đại – Đồ Sơn Hải Phòng
Biệt thự Bảo Đại – còn gọi là Lầu Bảo Đại tọa lạc trên đồi Vung, khu 2 Đồ Sơn, nay thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Công trình được Toàn quyền Đông Dương Pasquier cho xây dựng năm 1928 để làm nơi nghỉ dưỡng. Đến năm 1949 Toàn quyền Đông Dương tặng lại cho vua Bảo Đại, từ đó ngôi biệt thự mang tên là Biệt thự Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã sử dụng biệt thự này từ năm 1933-1954 để làm việc và nghỉ dưỡng cùng gia đình mỗi dịp ra Bắc.
Biệt thự Bảo Đại bao phủ bởi nhiều cây xanh, nhiều cây lên đến hàng chục, trăm năm tuổi. Toàn cảnh phía trước của Biệt thự Bảo Đại hướng ra biển Đồ Sơn. Bên trong biệt thự lưu trữ những hiện vật đã từng được Vua và Hoàng Hậu sử dụng.
Dinh I – Đà Lạt, Lâm Đồng
Nằm trên đường Trần Quang Diệu cách trung tâm Đà Lạt 4 km về hướng đông nam, Dinh I nằm trên một ngọn đồi cảnh đẹp và thơ mộng, ở độ cao 1.550 m. Từ năm 1949 đến năm 1955, nơi này là Tổng hành dinh của vua Bảo Đại ở thời kỳ ông là Quốc trưởng. Tới năm 1956, nơi đây được sử dụng riêng cho Ngô Đình Diệm, Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Bất kỳ ai từng tới Dinh thự chắc chắn đều rất ấn tượng với 2 hàng cây tràm thân trắng cổ thụ cao vút bên lề con đường lát đá dẫn vào Dinh. Tiếp theo bạn sẽ bắt gặp 9 cây chà là được vua Bảo Đại trồng với ý nghĩa là “Cửu Long”, có nghĩa 9 con rồng, hay là mong muốn đất nước mãi mãi trường tồn và phát triển thịnh vượng. Chín cây chà là lại tựa như để trấn giữ long mạch vùng đất mà ông đã chọn là Tổng hành dinh.
Dinh II – Đà Lạt, Lâm Đồng
Dinh 2 Bảo Đại Đà Lạt có địa chỉ tại: Số 12 Trần Hưng Đạo, phường 10, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Trong 3 ngôi dinh ở Đà Lạt thì Dinh 2 có vị thuận tiện nhất. Dinh có vị trí ngay trung tâm thành phố, cách chợ Đà Lạt khoảng 2,4 km và hồ Xuân Hưng khoảng 1 km.
Dinh thự được xây dựng từ năm 1933 đến năm 1937, có diện tích tự nhiên rộng khoảng 26 ha, trong đó khu dinh thự 10 ha và khu vực cảnh quan quy hoạch 16 ha, nằm trên đỉnh đồi cao, quanh năm bát ngát thông xanh và xen giữa những thảm cỏ. Đây là một tòa lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí sang trọng. Hiện nay, dinh II được sử dụng làm nhà khách của Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng.
Dinh III – Đà Lạt, Lâm Đồng
Nằm trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Tp. Ðà Lạt 2km về hướng Tây Nam trên một đồi thông cao 1539 m, dinh III là biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Ðại được xây dựng từ năm 1933 – 1937.
Có thể thấy rằng, tất cả các dinh thự vua Bảo Đại ở Đà Lạt đều được nằm ở vị trí trên đỉnh đồi cao, chiếm một diện tích lớn với rừng thông bao phủ xung quanh. Công trình kiến trúc chỉ là một điểm nhấn nhẹ nhàng, thấp thoáng giữa cây cỏ, thiên nhiên. Như vậy, tất cả các dinh thự ở Đà Lạt tuy ảnh hưởng của những hình thức kiến trúc khác nhau nhưng đều có giá trị và đặc biệt là sự hòa hợp với yếu tố tự nhiên, vừa tận dụng vừa tôn tạo thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên.
Dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng.
Bạch Dinh – Bà Rịa Vũng Tàu
Bạch Dinh được gọi theo tên tiếng Pháp là Villa Blanche nghĩa là biệt thự trắng, nằm bên sườn núi lớn của thành phố Vũng Tàu tại địa chỉ số 4 đường Trần Phú, P.1, TP. Vũng Tàu. Mặt trước hướng ra biển, lưng tựa vào núi tạo cho Bạch Dinh một thế vững chắc. Bạch Dinh là tòa nhà 3 tầng, cao 19m, dài 25m, toàn bộ ngôi nhà được quét vôi trắng, cửa mái vòm, mái lợp ngói. Khi đến tham quan biệt thự, du khách có thể thấy được kiến trúc Pháp từ hình dáng đến cách bày trí với những mảng viền trang trí rất nghệ thuật.
Bạch Dinh được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902, dinh thự này từng dùng là nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916.
Biệt thự Cầu Đá – Nha Trang, Khánh Hòa
Biệt thự Cầu Đá là tên gọi của quần thể công trình gồm 5 ngôi biệt thự trên ngọn núi Cảnh Long sát biển, phía nam thành phố Nha Trang. 5 ngôi biệt thự được xây dựng với quy mô nhỏ, 2 tầng, kiến trúc mang phong cách cổ điển Pháp. Mỗi công trình có một dáng vẻ khác nhau song vẫn tương đồng, thống nhất và hài hoà với cảnh quan. Các công trình đều có hình khối đơn giản, trang nhã; trang trí vừa phải và tinh tế. Năm ngôi biệt thự được ví như những bông hoa đẹp bên vịnh Nha Trang.
Trong khoảng thời gian từ 1940-1945, vua Bảo Đại đã sử dụng các biệt thự Xương rồng và Bông sứ để nghỉ ngơi cùng gia đình, kết hợp làm việc. Vì đó, nơi đây còn có tên gọi là Dinh thự vua Bảo Đại – Nha Trang. Sau này biệt thự Xương Rồng được đổi tên thành “Nghinh phong” (đón gió), biệt thự Bông Sứ được đổi tên thành “Vọng nguyệt” (ngắm trăng); những cái tên mới này ít nhiều liên quan tới thói quen sinh hoạt trong quá khứ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương; và vẫn được giữ cho đến ngày nay.
Biệt thự Cầu Đá đã có gần một trăm năm tuổi. Mặc dù thời gian và những tác động của con người ít nhiều làm biến đổi, song về tổng thể, 5 ngôi biệt thự vẫn giữ được những nét đẹp nguyên bản của kiến trúc xưa; cùng cảnh quan thiên nhiên, xứng đáng là những bông hoa đẹp, tô điểm thêm nhan sắc của thành phố biển Nha Trang./.
Biệt điện Bảo Đại – Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Tọa lạc ở vị trí gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại) nổi tiếng với kiến trúc đẹp và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk. Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, nơi đây nguyên là nhà làm việc của Công sứ tỉnh Đắk Lắk. Lúc đầu ngôi nhà được dựng lên bằng các vật liệu như gỗ, tranh, tre, nứa… Đến năm 1926, được xây dựng lại bằng gạch, đá, xi măng kiên cố và hoàn thành vào năm 1927 mang tên là Toà công sứ Pháp. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã sử dụng toà nhà này làm trụ sở của Hội đồng cố vấn cách mạng. Trong thời kỳ thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, vua Bảo Đại nhà Nguyễn đã đến đây để nghỉ ngơi, săn bắn. Từ đó toà nhà có thêm tên Biệt điện Bảo Đại và được quen gọi đến ngày nay.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975 toà nhà được sử dụng làm Nhà khách của Tỉnh ủy Đắk Lắk để đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta. Với ý nghĩa và tính chất lịch sử của công trình, ngày 26/01/1999 Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 02/1999-QĐ/BVHTT công nhận nhà 04 Nguyễn Du là di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Kiến trúc mang đậm chất Tây Nguyên, Biệt điện được xây dựng trên một cồn đất nhân tạo có diện tích 2.135,8 m2, cao lên so với mặt sân gần 2m. Nằm trong khuôn viên rộng lớn, tòa nhà được bao phủ bởi những cây cổ thụ có tuổi thọ từ 100 năm trở lên, đặc biệt là 02 cây long não trồng đối xứng ở hai bên có chu vi gốc trên 8m với tán lá bao trùm, che mát lối vào tòa nhà.
Khám phá Những địa điểm bí ẩn trong dinh thự vua Bảo Đại tại Nha Trang